TẠI SAO TRẺ CẦN CHƠI ĐÙA?



Chơi chính là cách để trẻ cải thiện vận động tinh - thô, nhận thức, kỹ năng tương tác xã hội và giao tiếp.
Để phát triển kỹ năng chơi, chúng ta cần thiết lập môi trường phù hợp, khuyến khích trẻ chơi từ việc chọn lựa món đồ chơi nào, món nào phù hợp mặc khác những món nào giúp trẻ đạt được những kỹ năng mà mình mong muốn. Ngoài ra, cha mẹ, giáo viên nên làm mẫu các cách chơi khác nhau với món đồ chơi, trò chơi ấy.
Vì sao trẻ cần chơi đùa?
Trước tiên, cha mẹ và giáo viên phải xác định được mức độ chơi của trẻ. Đối với trẻ bình thường sẽ đạt được các cấp độ chơi khác nhau, nhưng một số trẻ tự kỷ có thể chỉ chơi được ở giai đoạn đầu.
Sau đây là các mức độ chơi khác nhau về mặt xã hội và nhận thức:

1. Mức độ chơi về mặt xã hội

– Chơi không có chủ đích (giai đoạn từ lúc sinh đến 3 tháng tuổi): Trẻ không tham gia vào trò chơi mà thường ở một chỗ và quan sát môi trường xung quanh trẻ.
– Chơi (độc lập) một mình (giai đoạn trẻ từ 3 đến 18 tháng): Trẻ thường chơi một mình và không quan tâm đến các trẻ khác. Trẻ chỉ tập trung vào một hoạt động của bản thân mình.
– Chơi quan sát (có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường là ở giai đoạn trẻ mới biết đi): Trẻ thích xem những trẻ khác chơi nhưng không tham gia vào những trò chơi này.
– Chơi song song (giai đoạn trẻ từ 18 tháng đến 2 tuổi): Đây thường là giai đoạn mà trẻ đã sẵn sàng cùng tham gia chơi đồ chơi. Mức độ chơi này là khi trẻ chơi đồ chơi tương tự trẻ khác. Trẻ có thể không tương tác với các trẻ khác nhưng chơi cạnh bên nhau và có thể bắt chước các hành động của nhau.
– Chơi kết hợp (giai đoạn trẻ 3 đến 4 tuổi): Đây là giai đoạn trẻ chơi với trẻ khác vì chúng thích chơi với nhau, nhưng chúng không tham gia vào các hoạt động có tổ chức. Chúng tham gia vào trò chơi mà không có mục đích cụ thể.
– Chơi hợp tác (giai đoạn cuối tuổi mẫu giáo): Ở mức độ chơi hợp tác, trẻ chơi cùng nhau và tổ chức một hoạt động, và những người tham gia được phân công các vai trò khác nhau. Ví dụ chơi giả vờ cùng xây nhà, xây trang trại từ các khối lego và có động vật trong trang trại.

2. Mức độ chơi về mặt nhận thức

– Chơi khám phá qua các giác quan (giai đoạn từ lúc sinh ra đến 2 tuổi) – trẻ sử dụng các giác quan để nhận biết về môi trường. Trẻ có thể khám phá đồ vật hiện tượng mới bằng cách cho các thứ vào mồm, sờ, gõ vào nhau, lắc, ném hoặc ngắm nhìn vật đó.
- Chơi người – người: đây là giai đoạn mà trẻ thích thú với các trò chơi tương tác trực tiếp với người chăm sóc trẻ (mà không có đồ chơi)
– Chơi đúng chức năng – Trẻ bắt đầu từ các hoạt động đơn giản chơi đúng với chức năng được thiết kế của đồ chơi/đồ vật, cho tới các hoạt động chơi giả vờ đầu tiên như giả vờ trên bản thân trẻ. Cụ thể:
2.1. Chơi đơn giản: bao gồm các hoạt động như đẩy ô tô qua lại, đóng mở cửa ngôi nhà, và các trò chơi nhân quả như ấn phím đàn đồ chơi, gõ trống, lắc xúc xắc. Các hoạt động tách, gỡ đồ chơi (thay vì ghép chồng hoặc xây cao) cũng được xếp vào mức độ đơn giản.
2.2/ Chơi kết hợp: Bắt đầu là các hoạt động như ghép bảng ghép hình, thả các hình khối vào xe thả hình, trò chơi lồng cốc hoặc thả các hình tròn vào tháp. Chơi kết hợp còn bao gồm các hoạt động như chồng cao, ghép các nửa hoa quả cắt dán, ghép các loại bánh. Cao hơn nữa là các hoạt động lắp ghép để xây được các mô hình như nhà, ô tô, cầu, v.v.
2.3. Chơi biểu tượng và chơi có quy luật
Mức độ cao nhất là các các trò chơi giả vờ đơn giản trên bản thân (giai đoạn tiền biểu tượng), như trẻ giả vờ lấy thìa xúc cho mình hoặc giả vờ trên búp bê, nhưng trẻ vẫn là chủ thể chơi, lấy điện thoại đồ chơi giả vờ gọi điện, v.v.
– Chơi biểu tượng (giai đoạn trẻ từ 2 đến 5 tuổi) – Trẻ bắt đầu sử dụng đồ vật này để thể hiện các đồ vật khác. Ví dụ: trẻ có thể sử dụng thìa như là một chiếc micro hoặc sử dụng một cái hộp là chiếc ô tô. Các hoạt động chơi biểu tượng khác bao gồm búp bê hoặc nhân vật là chủ thể chơi, hoặc đóng vai theo các tình huống xã hội (như trẻ là bác sỹ, là ca sỹ, v.v.). Trẻ có thể phân công cho những người khác và tham gia vào một nhiệm vụ phức tạp gồm nhiều bước như là giả vờ nấu một bữa ăn.
- Chơi có quy luật (trẻ từ 6 tuổi trở lên) – Trẻ tham gia vào các hoạt động chơi có luật và nguyên tắc chơi như là đuổi bắt, trốn tìm hoặc cá ngựa, cờ vua…
Nguồn tài liệu:
Wolfberg, P. (1995). Enhancing children’s play. Teaching children with autism, 193-218.
Lifter, K., Sulzer-Azaroff, B., Anderson, S. R., & Cowdery, G. E. (1993). Teaching play activities to preschool children with disabilities: The importance of developmental considerations. Journal of Early Intervention, 17(2), 139-159.
A365 vietnam

0 Comments:

Đăng nhận xét